Kính với đô thị hiện đại

Kính với đô thị hiện đại

Nếu như trước đây, các KTS phải lao tâm khổ tứ để giải bài toán cửa sổ, vách ngăn thì tới giữa thế kỷ XVI, khi kính lần đầu tiên xuất hiện tại Thủ đô Viên (áo), giải pháp cho vấn đề này đã vượt ra ngoài khuôn khổ của giấy, bìa…Không những thế, sự xuất hiện của kính còn là bước khởi đầu của những tòa nhà chọc trời, biểu tượng cho đô thị hiện đại.

Các chủng loại kính hiện có trên thế giới

Kính hiện có trên thế giới vừa đa dạng về chủng loại, màu sắc, hoa văn, vừa phong phú về công năng sử dụng. ở Việt Nam, sản phẩm kính ở dạng những chủng loại đơn giản, hoặc có thể là những liên doanh, liên kết với nước ngoài.

Kinh%20trong%20kien%20truc.jpg

Kính dân dụng là loại kính được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng với độ dày mỏng khác nhau từ 3-19mm với 3 màu cơ bản: trắng, nâu và xanh đen. Với ưu điểm cắt gọt dễ nên có thể lắp đặt cho mọi công trình xây dựng, từ làm kính cửa sổ, cửa ra vào, cửa chớp, bình phong ngăn cách giữa các không gian nội thất khác nhau đến lắp làm tường trang trí cho nhà cao tầng. Kính dân dụng được sản xuất từ các công ty trong nước, các liên doanh với các hãng kính nổi tiếng trên thế giới có giá thành hợp lý, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận dân chúng.

Kính trang trí có thể là kính màu với các họa tiết đa dạng, có thể là kính cán hoa văn in chìm hay được khắc nổi trên kính. Hiện nay kính trang trí được sản xuất rất đa dạng. Kính trang trí thường được sử dụng với mục đích trang trí nội ngoại thất của các công trình đòi hỏi tính thẩm mỹ cao như: nhà hàng, khách sạn, biệt thự. Thay vì những ô cửa kính trong suốt đơn điệu có thể sử dụng kính trang trí với những hoa văn nổi.

Kính phản quang đang là loại kính được ưa chuộng hiện nay nhờ tác dụng hạn chế sự hấp thu ánh sáng từ bên ngoài và có khả năng chống nóng. Do phía bên ngoài kính được tráng thêm một lớp thủy ngân bạc nên chữ có thể nhìn rõ từ bên trong ra bên ngoài. Kính phản quang vẫn có thể lấy ánh sáng bên ngoài mà vẫn giữ được sự riêng tư bên trong.

Kính an toàn cường lực có ưu điểm chịu được xung lực, động đất ở cấp độ thấp, rất khó bị vỡ hay trầy xước khi va đập, khi vỡ sẽ tan thành nhiều mảnh nhỏ. Vì vậy kính chịu lực không cắt được bằng dao cắt kính. Kính bắt buộc phải sản xuất theo đơn đặt hàng. Những loại kính chịu lực thì lại rất thích hợp làm bức bình phong ngăn cách vừa an toàn, ít bị vỡ, lại giảm được tối đa tiếng ồn.

Kính bảo ôn có khả năng cách âm, cách nhiệt. Kết cấu của loại kính này khá dặc biệt, làm bằng 2 lớp kính, có độ dày khác nhau, gắn song song cách nhau một khoảng 1cm, giữa có lớp chân không hoặc khí trơ và được giữ bằng khung nhôm, nhựa và gắn bằng lớp keo silicone chắc chắn.

Kính dán nhiều lớp thực chất là những tấm kính dân dụng được gắn kết bằng một hoặc nhiều lớp, giữa các lớp kính và lớp keo dán có tính bám dính cao trong một liên kết bền vững và bền màu với thời gian. Các lớp kính có thể là kính trong, kính màu hoặc kính phản quang. Ưu điểm nổi bật của loại kính này là khi bị vỡ các mảnh kính không văng ra mà dính chặt với nhau bởi lớp keo dính nên không gây nguy hiểm cho người xung quanh, vì vậy đa số các loại kính dán là kính an toàn.

Hiện nay kính là một trong những vật liệu xây dựng được ưa chuộng không chỉ nhờ kết cấu gọn nhẹ, dễ lắp đặt, tiện dụng phù hợp với không gian kiến trúc mà còn đem lại giá trị thẩm mỹ trong trang trí nội thất, có thể sử dụng được ánh sáng tự nhiên.

Kinh%20trong%20kien%20truc%201.jpg

Vai trò của kính với các tòa nhà hiện đại

Trước kia, khi kính chưa ra đời, chiều cao của các tòa nhà chỉ hạn chế ở tầm vài chục mét. Không chỉ bị hạn chế về chiều cao, mà về kết cấu, thẩm mĩ cũng bị bó hẹp.

Nhưng nay, vật liệu kính chính là tiền đề tiên quyết để các KTS có thể thả trí tưởng tượng của mình bay bổng hơn, kéo theo đó là cuộc chạy đua xây nhà chọc trời khởi nguồn từ Mỹ và nay là tại Ðông á, Trung Ðông, Nga Ðó là một cuộc mạo hiểm bằng đá, thép và kính và dường như không thể hơn được nữa. Kể từ đó, thế giới không chỉ còn biết đến những tòa nhà cao tầng chỉ vài chục mét.

Có thể nói, sự phát triển bước ngoặt của nhà chọc trời không chỉ nằm ở các phát minh về thép, bê tông, máy bơm nước và thang máy, nó còn nằm ở sự phát triển của ngành công nghiệp kính. Bởi các yếu tố chịu lực của nhà chọc trời cũng khác biệt về bản chất so với những công trình khác. Các công trình thấp tầng có thể sử dụng hệ kết cấu tường chịu lực, trong khi ở nhà chọc trời, kết cấu duy nhất có thể áp dụng được là hệ kết cấu khung và sử dụng lõi cứng thang máy. Có thể nói, vật liệu kính đã góp công lớn xây nên một nền kiến trúc hiện đại, với những tòa nhà siêu cao tầng bền đẹp với thời gian. Ðó là những công trình như tòa nhà AT&T ở New York (1989) do kiến trúc sư người Mỹ Philip Johnson thiết kế theo dòng kiến trúc Hậu hiện đại, tòa nhà Ngân hàng Trung Hoa ở Hồng Kông do kiến trúc sư người Mỹ gốc Trung Quốc I.M.Pei thiết kế, tòa tháp đôi Petronas tại Malaysia. ở Việt Nam cũng có một số công trình chọc trời như công trình tháp Bitexco khởi công năm 2005 ở Thành phố Hồ Chí Minh với 68 tầng và chiều cao tổng cộng là 300 m, tháp Hà Nội City Complex ở Hà Nội có 65 tầng với chiều cao 281 m.

Kinh%20trong%20kien%20truc%202.jpg

Công nghệ kính ở Việt Nam

Ðầu những năm 1960, CH Dân chủ Ðức đã giúp Việt Nam xây dựng nhà máy thủy tinh tại Hải Phòng nhưng hoạt động lay lắt chẳng được bao lâu rồi lại bị xóa bỏ. Tại Miền Nam, trước năm 1975 có nhà máy kính cán thủ công Vinaglass do Mỹ xây dựng, thủy tinh nấu trong các lò bể gián đoạn. Thủy tinh lỏng được múc ra đưa vào máy cán thủ công, cắt gián đoạn. Kính cán nhiều màu sắc, kính màu trong, đục, kính trộn màu hỗn hợp lại thành kính vân mây. Sản phẩm kính là làm các đèn trang trí nội ngoại thất, tranh kính mosaicxuất khẩu chủ yếu sang Bắc Mỹ. Sau ngày giải phóng Miền Nam, nhà máy cũng duy trì được hoạt động một thời gian nhưng do không còn thị trường xuất khẩu và thiếu chuyên gia, phụ tùng, hóa chất, cộng với thực tế khi đó trong nước rất thiếu kính trắng phẳng nên nhà máy cũng phải sớm đóng cửa.

Tới năm 1991, nhà máy kính Ðáp Cầu chính thức đi vào hoạt động. Kính sản xuất theo phương pháp Fuco, kéo đứng qua thuyền phương pháp sản xuất cổ điển, công suất 2,5 triệu m2 kính/năm, đánh dấu mốc lịch sử mới cho công nghệ kính ở Việt Nam.

Bước vào thời kỳ mở cửa, nghành kính Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt. Một số nhà máy lớn lần lượt ra đời như kính nổi liên doanh Việt – Nhật ở Quế Võ, Bắc Ninh VFG. Sau đó là nhà máy kính nổi Bình Dương VIFG của Viglacera, kính nổi ở Bà Rịa Vũng Tàu, hiện đang xây dựng nhà máy kính nổi công suất 700T/ngày tại Chu Lai. Nói chung, hiện ở Việt Nam đang thiếu 2 dòng kính cơ bản là kính rẻ tiền chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nông nghiệp và kính chất lượng cao dùng trong các công trình hiện đại tầm cỡ.

Cần hoàn thiện hệ thống quy phạm quy chuẩn hướng dẫn lắp đặt, hoàn thiện

Rõ ràng thành phố hiện đại, những cao ốc hoành tráng, bền đẹp với thời gian bắt buộc phải bắt buộc phải gắn với kính xây dựng theo nhiều chủng loại, màu sắc, kích thước và công năng khác nhau. Ðể cho ngành kính xây dựng Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng được yêu cầu của đô thị hiện đại chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về kính, về nhà cao tầng để các KTS, các nhà thiết kế có thể lựa chọn các phương án khác nhau cho công trình xây dựng. Các nhà công nghệ sản xuất cũng phải cố gắng sản xuất ra nhiều chủng loại kính có tính năng, màu sắc, hoa văn đa dạng và độ bền khác nhau, giúp cho nhà thiết kế có thể mặc sức lựa chọn. Mặt khác, thông tin hướng dẫn, quảng bá trong việc sử dụng kính với các tính ưu việt của nó cũng cần được đẩy mạnh rộng khắp, liên tục làm cho người sử dụng có đủ hiểu biết để lựa chọn kính xây dựng phù hợp với công trình của mình, làm hài lòng cả với những nhà đầu tư khó tính nhất.

Hi vọng rằng với tốc độ đô thị hóa hiện nay của Việt Nam, sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghệ, chẳng bao lâu nữa kính xây dựng Việt Nam sẽ được vinh danh với các tòa nhà và đô thị hiện đại, hoành tráng, trở thành niềm tự hào của mỗi chúng ta.

 Nguyễn Quang Cung – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng

Related Posts

Biến tấu thông tầng

Biến tấu thông tầng Thông thường với nhà phố, giếng trời nằm ở giữa nhà để không gian sử dụng bao quanh “hít thở” sự thông thoáng…

Kiến trúc nội thất nhà chú Thắm – Hàng Cân

Kiến trúc nội thất nhà chú Thắm – Hàng Cân Tên dự án: NỘI THẤT NHÀ CHÚ THẮM; Địa chỉ: Số 17 Hàng Cân; Thể loại: Kiến…

Giải pháp cho nhà diện tích nhỏ

Giải pháp cho nhà diện tích nhỏ Thông thường trong những căn nhà có diện tích nhỏ thì vị trí mặt bằng cầu thang sẽ quyết định…

Khách sạn JuanFang

Khách sạn JuanFang Tên dự án: KHÁCH SẠN JUANFANG; Địa chỉ: ; Thể loại: Khách sạn mini; Diện tích: 180m2; Số không gian: 7 tầng; Thiết kế:…

Nội thất nhà anh Triết – Láng Hạ

Nội thất nhà anh Triết – Láng Hạ Tên dự án: NỘI THẤT NHÀ ANH TRIẾT; Địa chỉ: Chung cư 101 Láng Hạ; Thể loại: Nội thất;…

Tư vấn thiết kế nhà Anh Chung

Tư vấn thiết kế nhà Anh Chung Thể loại: Nhà ở gia đình; Địa chỉ: Long Biên – Hà nội; Diện tích: 80m2; Số không gian: 4…